Giải đáp những câu hỏi thường gặp về chiếu xạ thực phẩm

Chiếu xạ thực phẩm là gì, mức độ an toàn của thực phẩm chiếu xạ và làm sao biết thực phẩm đã qua chiếu xạ là những câu hỏi mà nhiều người khi tìm hiểu vẫn còn thắc mắc. Bài viết sẽ giải đáp những nội dung này nhằm cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đang tìm hiểu về công nghệ này.
Chiếu xạ thực phẩm là gì?
Chiếu xạ thực phẩm là phương pháp kiểm dịch thực phẩm bằng cách ứng dụng bức xạ ion hóa (tia Gamma, chùm tia Electron, tia X), nhằm tiêu diệt hoặc vô hiệu hoá các vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng, côn trùng có hại trong thực phẩm, giúp kéo dài thời gian bảo quản và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lợi ích của chiếu xạ thực phẩm là gì?
Với những lợi ích nổi bật, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và an ninh sinh học trong quá trình giao thương quốc tế.
- Phòng ngừa bệnh truyền qua thực phẩm: phương pháp chiếu xạ thực phẩm hiệu quả trong việc loại bỏ các sinh vật gây bệnh truyền qua thực phẩm, chẳng hạn như Salmonella và Escherichia coli (E. coli).
- Bảo quản thực phẩm lâu hơn: tiêu diệt hoặc làm bất hoạt các sinh vật gây hư hỏng, giúp kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.
- Kiểm soát côn trùng: kiểm soát các loại côn trùng, sâu bệnh trên các loại trái cây tươi khi nhập khẩu vào những thị trường như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand...
- Làm chậm quá trình nảy mầm và chín: chiếu xạ còn có khả năng ức chế sự nảy mầm ở các loại củ như: khoai tây, các loại đậu… và làm chậm quá trình chín của các loại trái cây.
Thực phẩm chiếu xạ có an toàn không?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đánh giá tính an toàn của thực phẩm chiếu xạ trong hơn 30 năm và kết luận rằng phương pháp này là an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cùng nhiều tổ chức uy tính khác cũng công nhận tính an toàn của thực phẩm chiếu xạ.

Cán bộ Kiểm dịch APHIS (USDA) thực hiện kiểm dịch trái cây tươi trước khi đưa vào xử lý chiếu xạ tại Nhà máy Chiếu xạ Toàn Phát (TPI)
Thực phẩm có bị nhiễm phóng xạ hay mất chất dinh dưỡng sau chiếu xạ?
Chiếu xạ không làm cho thực phẩm bị nhiễm phóng xạ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng, cũng như không làm thay đổi đáng kể hương vị, kết cấu hoặc hình thức của thực phẩm. Trên thực tế, những thay đổi do chiếu xạ gây ra rất nhỏ đến mức khó có thể nhận biết liệu một loại thực phẩm đã qua chiếu xạ hay chưa.
Những thực phẩm nào được chiếu xạ?
Từ năm 1963, FDA đã cho phép chiếu xạ lúa mì và bột mì để tiêu diệt sâu bệnh. Đến nay, chiếu xạ đã được sử dụng trên trái cây, rau củ, gia vị, các loại thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, các loại thuỷ hải sản, gia vị và hương liệu…
Làm sao để nhận biết thực phẩm đã qua chiếu xạ?
Thực phẩm đã chiếu xạ phải gắn biểu tượng quốc tế Radura kèm theo dòng chữ “Treated by Irradiation" (Đã xử lý bằng chiếu xạ) trên bao bì. Nếu thực phẩm chiếu xạ được sử dụng trong các sản phẩm chế biến khác, chẳng hạn như xúc xích thì thành phần cũng sẽ ghi rõ thịt đã qua chiếu xạ. Thực phẩm đã chiếu xạ cần được bảo quản, xử lý và nấu nướng tương tự như thực phẩm chưa chiếu xạ vì chúng vẫn có thể bị nhiễm các sinh vật gây bệnh sau khi chiếu xạ nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn thực phẩm cơ bản.

Thực phẩm đã qua xử lý chiếu xạ sẽ được gắn biểu tượng Radura (hình tròn, màu xanh lá) kèm theo dòng chữ “Treated by Irradiation"
Chiếu xạ thực phẩm đã được phát triển rộng rãi như thế nào?
Với những lợi ích mang lại cho người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động giao thương quốc tế, tính đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã cho phép sử dụng chiếu xạ cho nhiều loại thực phẩm khác nhau. Hiện nay, IAEA cùng FAO đang hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia của các nước thành viên trong việc áp dụng chiếu xạ nhằm nâng cao an toàn và cải thiện chất lượng thực phẩm. Hai tổ chức này cũng đang hợp tác chặt chẽ với Công ước bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) và Uỷ ban Codex Alimentarius để hài hòa hóa các tiêu chuẩn chiếu xạ trên toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo: https://www.fsis.usda.gov/food-safety/safe-food-handling-and-preparation/food-safety-basics/irradiation-and-food-safety-faq
https://www.fda.gov/food/buy-store-serve-safe-food/food-irradiation-what-you-need-know
https://www.iaea.org/topics/food-irradiation
Nhà máy Chiếu xạ Toàn Phát
Hotline (24/7): (+84) 93 100 0001
Fanpage: https://www.facebook.com/chieuxatoanphat
Website: www.chieuxatoanphat.vn
Địa chỉ: Lô A24-1, Đường Ngang 1, KCN Phú An Thạnh, An Thạnh, Bến Lức, Long An.